[ten] Chia tay ấu thơ[/ten] [info] “Con người ta, sống trên đời, ai cũng sẽ phải lớn lên. Nhưng dường như sự trưởng thành của mỗi người không chỉ dựa vào sự nhiều lên của tuổi tác, mà được đo bằng những trải nghiệm âm thầm mà sâu sắc trong tâm hồn". Kì 1 : Cô Bé Mưa Rào "Cậu bạn thân hồi nhỏ, cô bạn gái đầu tiên chúng ta thích, những trò đùa tai quái, những trò nghịch dại, liệu có bao giờ sau này giữa dòng đời ngược xuôi, ta bất giác nhớ lại những hình bóng thân thương ấy và thấy môi mình mỉm cười. Hay ta sẽ tiếc nuối bởi những giấc mơ thêu dệt nên một thời hoa mộng ấy đã trôi xa mãi chẳng bao giờ quay lại". Tuổi thơ tôi gắn bó với con phố nhỏ nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Nói là con phố cũng không đúng, thật ra đó chỉ là một cái ngõ nhỏ mà thôi. Nhà trong ngõ nên mỗi lần trời đổ cơn mưa lớn một chút là lại bị lụt. Hồi còn bé, tôi chẳng thấy những cơn mưa rào mùa hạ có hại gì. Chỉ thấy vui vì sẽ được lội bì bõm trong ngõ. Rồi tôi và thằng bạn thân chí cốt, có khi cả em gái tôi nữa, sẽ té nước lên nhau. Hồi tiểu học, rồi cấp hai, mấy lần liền tôi và nó bị bố mẹ đánh cho mấy cái roi vào chân vì tôi thích nghịch nước. Nhưng phạt thì phạt thế chứ tôi chẳng bao giờ thôi cái trò đùa nghịch chỉ dành riêng cho bọn con trai nhà trong ngõ này. Về sau, tôi còn có thêm cái thú là ngồi cạnh chậu hứng nước mưa rơi tí tách xuống từ cái mái hiên bị dột. Đến khi bố tôi sửa lại mái nhà, không còn những ngày thỉnh thoảng có giọt mưa rơi xuống mâm cơm, tôi buồn đi một nửa. Rồi tới lúc con đường trong phố được phường nâng cấp, làm lại, không bị ngập nước nữa, lòng tôi lại thêm một nỗi buồn tê tái, cứ như có thứ gì đó bị mất đi trong mình. Nhưng vì là trẻ con, nên dù có buồn, thì cũng hết nhanh thôi. Những mùa hè cứ thế trôi qua, vào kì nghỉ ba tháng cuối cùng trước khi tôi vào lớp 10, mỗi ngày trôi qua với tôi đều nhàm chán vô cùng bởi bạn bè tôi đều bận ôn thi vào cấp ba, chỉ có tôi, đã được bố mẹ chuẩn bị cho cái tinh thần sẽ học đúng tuyến nên coi việc ôn thi vào cấp 3 khá nhẹ nhàng. Dù sao thì tôi cũng là học sinh giỏi suốt 9 năm đi học cơ mà. Bạn bè bình thường từ chối đi chơi với tôi đã đành, cái thằng Lâm - bạn chí cốt từ thuở nhỏ của tôi tuần trước nghịch dại trèo lên cái xe máy của bố nó, định chụp mấy tấm ảnh lấy le, thế mà xe đổ, nó bị gãy chân phải bó bột nên cũng ở nhà suốt, bỏ tôi một mình. Thấy tôi ngày nào cũng nằm ườn ra, học bài rồi lại nằm ngủ, mẹ bảo tôi được nghỉ rảnh rỗi thì ra phụ giúp bán hàng ở cái cửa hàng tạp hóa của bác tôi. Bác đây là anh trai ruột của mẹ tôi, nhưng nhà tôi nhỏ còn nhà bác thì to. Nhà tôi năm trong ngõ còn nhà bác nằm đường hoàng ngoài mặt phố, có gắn cả biển hiệu lớn, đèn điện sáng trưng. Bác không kết hôn nên rất quý hai anh em tôi. Lúc trước tôi và em gái, còn cả thằng Lâm hay ra cửa hàng bác mua kem ăn. Lần nào bác cũng không lấy tiền nên thằng Lâm thích nhất. Cửa hàng nhà bác lúc nào cũng bật điều hòa, kể ra mùa hè ngồi ở đó thay vì nằm tự kỉ trong cái căn phòng chật hẹp của tôi thì cũng thích thật đấy. Đấy là chưa kể nếu ra ngồi ngoài cửa hàng của bác phụ giúp có khi tôi còn thoát được mấy lời cằn nhằn không dứt của mẹ. Mà với thằng cháu là đích tôn thế này thì chắc bác cũng chẳng nỡ giao cho mấy việc nặng nhọc đâu mà. Thế là tôi gật đầu cái rụp, và ngay ngày hôm sau thì được mặc chiếc áo đồng phục màu xanh lá cây cho giống với các anh chị khác trong cửa hàng. Ngày đầu tiên ngồi làm nhân viên bán hàng, tôi thấy công việc khá nhẹ nhàng bởi mọi người chưa thực sự tin tưởng một thằng nhóc chuẩn bị lên cấp ba lắm, nên cứ có khách tiến về phía bàn tôi định thanh toán thì lại có một anh hoặc chị nào đó chạy ra giúp đỡ. Ngày thứ 2 tôi được cất nhắc lên một chút khi có một đứa trẻ con hỏi quầy kem ở đâu thì tôi đã dẫn thằng bé ra tận nơi. Thật ra tôi cũng khá rành chỗ quầy kem và các loại kem trong đó bởi hầu như ngày nào cũng chạy ra đây ăn. Ngày thứ 3 trời mưa tầm tã nên vắng khách. Bác tôi sợ trời mưa càng lúc càng lớn nên cho mấy anh chị nhân viên nhà xa về sớm. Thành ra trong cửa hàng chỉ con mình tôi và một anh cao gầy tên Thành. Anh Thành là sinh viên từ Vinh lên Hà Nội học đại học, học ngành cơ khí nhưng lại rất mê văn thơ. Vắng khác, anh lôi tập thơ bỏ túi bé bằng lòng bàn tay ra đọc chăm chú. Thấy anh chẳng có vẻ muốn nói chuyện tán phét, tôi lên mạng thử coi có đứa bạn nào đang online không. Nhưng khốn nỗi đứa nào cũng bảo đang bận học, hay như cái thằng Lâm-mang tiếng bạn thân nhất của tôi thì nói thẳng thừng: “Tao đang bận chơi Game. Sắp phá đảo rồi mày ạ”. Ngao ngán bởi những câu chuyện về cái đảo tưởng tượng trong game của nó, tôi offline rồi đi lại gần cửa sổ, ngắm mưa. Được một lúc, đột nhiên tôi chú ý tới một cái bóng áo mưa màu vàng vẫn đứng trước mái hiên của cửa hàng, chiếc xe đạp còn dựng bên cạnh. Lúc đầu tôi cứ nghĩ người đó chỉ đứng ở đó một lúc thôi, tới khi ngớt mưa sẽ đi, nhưng kì lạ thay, người này đứng rất lâu, và không hề giống những người trú mưa bình thường, người này không hề sốt ruột hay than thở gì. Tôi dí sát mặt hơn vào cửa sổ để nhìn cho rõ. Đó là một cô gái, chỉ nhìn được nửa bên khuôn mặt nhưng có vẻ còn rất trẻ, trông chiều cao thì chắc cũng ở tầm tuổi tôi mà thôi. Một bên gương mặt với gò má bầu bĩnh, lấm tấm những giọt nước mưa, một vài sợi tóc mái còn vương bên thái dương, “cô bé này nhìn khá dễ thương”, tôi lẩm bẩm. - Đâu đâu, ai dễ thương? Tôi giật mình quay sang bên cạnh. suýt hét toáng lên khi thấy mặt anh Thành đang kề sát. Anh chàng này tưởng mọt sách với mơ mộng mà hóa ra cũng dại gái ra phết. Tai thính vừa nghe thấy nói có người dễ thương là nhào tới liền. Tôi hất nhẹ cằm một cái: - Kia kìa, cô bé mặc áo mưa vàng ấy. Anh Thành nhìn theo hướng tôi chỉ, tặc lưỡi: “Ui dào, cũng bình thường, không mua hàng mà cứ đứng đó đọc truyện tranh mãi”. Lúc này tôi mới nhận ra cô bé “áo mưa vàng”, cứ tạm gọi thế đi đang đứng đọc say sưa một cuốn truyện nào đó. Thỉnh thoáng bắt gặp một điều thú vị trong truyện, “áo mưa vàng” lại cười khúc khích. Tôi quay lại chiếc ghế của mình, để cô ấy thoải mái sử dụng mái hiên chắn mưa của cửa hàng. Sáu giờ chiều, trời nhá nhem tối, tôi ngó ra ngoài, “áo mưa vàng” vẫn đứng đó đọc truyện, chắc định đợi tới khi trời tạnh hẳn mới về. Tôi ra công tắc điện gần chỗ cửa rồi bật đèn ngoài hiên lên. Anh Thành hỏi tôi: - Không có khách mà em bật đèn làm gì cho tốn điện vậy Khoa? Tôi chẳng đáp lại anh, còn đang mải nhìn xem “áo mưa vàng” có tinh ý nhận ra sự quan tâm nho nhỏ của tôi không. Nhưng đúng là ông trời khéo trêu đùa, đèn vừa bật lên thì “áo mưa vàng” nhìn đồng hồ đeo tay, cất quyển truyện vào chiếc túi nhỏ đeo bên sườn rồi lên xe đạp đi thẳng. Mấy ngày hôm sau trời vẫn cứ mưa liên tiếp, cái này chắc là mưa do bão tháng 7 ở vịnh Bắc Bộ. Tôi vẫn cứ suy nghĩ lởn vởn về “áo mưa vàng”, về cái khung cảnh lãng mạn như phim Hàn khi hai đứa chỉ đứng cách nhau một cánh cửa kính. Một tuần, rồi hai tuần, “áo mưa vàng” không trở lại, tôi tạm chấp nhận sự thật phũ phàng rằng cô bé chỉ là một người khách trú mưa mà thôi, có khi hôm đó còn là lần đầu tiên cô vào cửa hàng này, có khi sau này cô cũng chẳng ghé vào nữa. Thằng Lâm đã đỡ hơn trước một chút, thỉnh thoảng nó lại lê cái chân bó bột ra ngoài cửa hàng chơi với tôi. Chắc vì mẹ nó vẫn kêu suốt là nếu nó nằm lì một chỗ như thế thì vòng bụng sẽ ngày càng trồi lên và hai chân nhỏ xíu lại mất thôi. Mà thằng Lâm lại là đứa rất coi trọng ngoại hình nên nó vội vận động ngay. Ra cửa hàng của bác tôi, thằng Lâm hớn hở lắm. Mấy chị nhân viên trong cửa hàng vừa khen nó trông sáng sủa là nó đã vội vàng kể ngay câu chuyện về dòng họ nó có một chú làm diễn viên kịch nói nổi tiếng. Tôi chẳng biết chú nó nổi cỡ nào nhưng tôi thấy nó tự hào ghê lắm. - Mày làm ở cái chỗ này sướng quá còn gì, có điều hòa, máy vi tính, lại còn được giao thiệp rộng, chả bù cho tao. Ông nội Lâm là đại tá về hưu, hồi trẻ từng tham gia kháng chiến cứu nước nên được rất nhiều người kính trọng. Bây giờ ông nó già rồi còn mở cửa hàng thuê truyện tranh ở tầng một nên bọn trẻ con trong phố lại càng thêm quý ông. Chúng tôi ai cũng thích cửa hàng thuê truyện. Tôi nghĩ cửa hàng tạp hóa của bác tôi đóng cửa một ngày thì còn có những cửa hàng khác. Nhưng hàng thuê truyện của ông nội thằng Lâm mà đóng cửa thì tụi trẻ con chỉ có đường khóc thét thôi. Từ hồi bị gãy chân, thằng Lâm thường xuyên ngồi dưới tầng một để ông nội còn trông nom nó. Còn nó thì than thở ngoài việc ông nó cho chơi game thoải mái ra thì tầng một vừa nóng lại chật hẹp, chẳng thích chút nào. Lâm đến chơi một lúc rồi về, trước khi đi nó còn vỗ vai tôi châm chọc: - Làm việc chăm chỉ đi nhé, tao có cảm giác hôm nay là ngày may mắn của mày đấy. Lâm ngày thường hay khoác lác nhưng hôm đó thì đúng là ngày may mắn của tôi thật. Tôi gặp lại “áo mưa vàng” một lần nữa. Chúng tôi hội ngộ khi bác bảo tôi ra ngoài ghi vé xe cho khách. Lúc đi ngang qua bãi gửi xe, tôi chú ý ngay tới một chiếc xe đạp có một cái áo mưa màu vàng xếp ngay ngắn nơi giỏ xe. Đúng là chiếc xe đạp của cô bé ấy, đúng là áo mưa của cô bé ấy, vậy là cô ấy hẳn đang ở trong cửa hàng. Tôi chạy vội vào trong, đi nhanh qua các dãy đồ để xem cô bé đó đâu. Kia rồi, một cô gái dáng người dong dỏng, mái tóc đen dài tết thành một bím vắt gọn gàng lên vai đang đứng đợi thanh toán ở quầy anh Thành. Căn cứ vào dáng người thì không thể nào sai đi đâu được. Tôi cũng ra đứng gần chỗ Thành, vờ đang tìm kiếm gì đó trong ngăn tủ, cố tình đợi cho tới khi đến lượt “áo mưa vàng”. Đây rồi, cô bé cầm tập vở trên tay, tôi cố ngẩng lên liếc nhìn nhãn vở nhưng những ngón tay cô bé đã che mất rồi. “Áo mưa vàng” mua một hộp kẹo cao su và một vài cái kẹo mút. Xong việc cô đi ra ngoài nhanh chóng, chẳng hề để ý tới tôi đang thất thểu ngồi bệt xuống đất phía sau quầy trả tiền. Cả ngày hôm đó tôi cứ thẫn thờ tiếc nuối mãi. Nghĩ tới cái bóng dong dỏng của cô bé đạp chiếc xe đi là tôi lại mong sẽ được sớm gặp lại cô. Cuối giờ làm, lúc đang chuẩn bị dọn dẹp đóng cửa hàng, anh Thành ra khoác vai tôi nói: - Anh biết tên người làm chú em mất hồn rồi nhé”. - Anh nói vớ vẩn gì thế? Tôi gạt tay anh sang một bên. - Thôi anh biết tỏng rồi, cái đứa con gái mặc áo phông màu hồng nhạt mua kẹo cao su hôm nay chứ gì? Tôi giật mình hỏi: - Ơ sao anh biết? Anh Thành nháy mắt nói: - Anh thấy em cứ loay hoay đứng đó, mắt thì liếc ngang liếc dọc là anh biết rồi. Lúc cô bé ấy để tập vở xuống bàn để lấy tiền, anh thấy rõ họ tên luôn. Tôi vội hét toáng lên: - Tên cô ấy là gì, nói cho em nghe đi. Anh Thành lắc đầu một cách đáng ghét: - Không được, hôm nay em đổ rác hộ anh đi thì anh nói cho. Dù vốn ghét nhất công việc đổ rác của cửa hàng nhưng vì sự nghiệp tình yêu của mình, tôi đành chấp nhận. Dọn dẹp đâu đó sạch sẽ, cuối ngày, tôi tạm hài lòng với cái tên mình nhận được. Và đêm hôm ấy, tôi ngủ rất ngon, trong giấc mơ, tôi nhìn thấy một cơn mưa và cô bé mặc áo mưa vàng đứng bên cạnh. Tôi chỉ biết rụt rè gọi nhỏ tên cô ấy: Hạ Quyên Mấy ngày sau đó, tôi như người trên mây, lùng sục tìm trên blog cái tên Hạ Quyên, có tới 3.000 kết quả. Đúng là chuyện hoang đường, thường thì người ta hay đặt tên con gái là Đỗ Quyên hay Ngọc Quyên, sao cái tên lạ thế mà lại có nhiều người trùng thế nhỉ. Nhà chỉ có một cái máy tính, hai anh em thay phiên nhau dùng hai tiếng buổi chiều và một tiếng buổi tối. Thấy tôi sắp dùng quá sang giờ của nó, cái Phương em gái tôi cằn nhằn: - Anh Khoa, anh dùng nhanh lên. Cho em còn dùng nữa, em sắp phải đi học rồi. - Chờ anh tí, tôi nài nỉ. - Anh làm gì đó? Cái Phương vừa hỏi vừa chạy lại đứng phía sau tôi. Thấy trên màn hình hiện ra hàng loạt blog của Hạ Quyên, nó thở dài: - Anh tìm như vậy đến bao giờ mới xong. Ít ra anh phải có họ mới tìm được. Mà nhỡ bạn anh không để tên blog là tên thật của mình thì sao? Lời nhận xét của cái Phương làm tôi chột dạ. Lại còn có cái trường hợp đó nữa à. Công nhận tôi cứ lao vào tìm kiếm như này không phải là cách. Dù sao, đây có phải là bài học thử lòng kiên trì đâu cơ chứ. Hết cách, tôi đứng lên nhường chỗ cho đứa em gái. Tôi toan định chạy sang nhà Lâm nhờ nó tư vấn, dù sao nó cũng thuộc dạng nhanh trí, nhưng lại sợ nó biết lại trêu chọc, tôi đành thôi. Tối hôm đó đi ngủ tôi đã chắp tay cầu trời cho tôi gặp lại Hạ Quyên một lần nữa. Tôi vốn không tin chỉ cầu nguyện xuông thế mà cũng thành. Nhưng lần này, tôi đã được đáp lại. Hai ngày sau, bạn của cái Phương bị ốm nên không qua đèo cái Phương đi học piano được. Bố mẹ đều bận đi làm nên mẹ bảo tôi nghỉ làm ở cửa hàng một buổi để đèo em đi học. Bị đánh thức vào lúc giữa trưa, lại còn bị đứa em gái có cái giọng cao vút hét vào tai, tôi đâm phát cáu: - Sao em không tự đi đi, đi bộ ấy, cũng gần thôi chứ xa xôi gì? Cái Phương ngúng nguẩy, dậm chân: - Không, trời nắng đi bộ đen da lắm, anh đèo em đi cơ. Không em mách mẹ đấy. Cái Phương cứ lấy mẹ ra dọa là kiểu gì tôi cũng phải theo. Tôi đành lủi thủi đứng dậy mặc đồ rồi đèo con bé đi. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ mông lung mãi sao bố mẹ tôi lại cho cái Phương đi học piano làm gì, lẽ ra miệng lưỡi như nó phải cho đi học hát opera mới đúng. Trưa hè, ánh nắng gắt chiếu vào mắt kính làm tôi thấy mọi thứ lóa lóa, lúc rẽ vào ngõ nhà cô giáo Phương, tôi nhìn không rõ nên loạng choạng bị mắc luôn tay lái vào chiếc xe đạp đi ngược chiều. May mà em gái tôi kịp nhảy xuống nên tôi mới giữ được thăng bằng. Cái Phương vội xin lỗi người kia rối rít. Người lái xe là một thanh niên trẻ, trông dáng chắc chỉ hơn tôi vài tuổi. Cái Phương giải thích gì đó với người thanh niên kia, còn tôi, tôi chẳng để ý gì, còn đang mải nhìn cô bé đang đi bộ trên vỉa hè vừa bị hai chiếc xe đâm vào nhau làm cho giật mình. Chính là Hạ Quyên, sao tôi lại toàn gặp cô bé ấy trong những tình huống bất ngờ thế này. Sau khi nghe cái Phương giải thích, người thanh niên kia đạp xe đi mất, lúc này, con bé đột ngột hét lên cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Nó gọi rất lớn: - Chị Quyên. Nó chẳng thèm chào tôi, chạy ngay ra chỗ người trong mộng của tôi rồi hai người cùng đi vào lớp học, vừa đi vừa trò chuyện có vẻ thân thiết lắm. Cái Phương này, hóa ra nó học cùng người tôi đang tìm kiếm, thấy tôi khổ sở suốt hai ngày nay mà không nói gì, con bé gian thế không biết. Tí nữa đi học về thì nó biết tay tôi. Tôi hét lớn, cố để cả Hạ Quyên cũng nghe thấy: - Tan học anh đón em nhé. Hí hửng đạp xe về nhà, tôi nghĩ chỉ cần vào blog cái Phương rồi tìm trong đám bạn của nó cái tên Hạ Quyên là sẽ ra ngay. Thật không ngờ trong đám bạn đanh đá của cái Phương lại có một Hạ Quyên hiền lạnh nhẹ nhàng thế. Bình thường cứ hôm nào cái Phương rủ bạn về nhà học nhóm là tôi lại ngao ngán tìm cớ chạy sang trú ẩn nhờ ở nhà thằng Lâm. Mấy đứa bạn của cái Phương đứa nào tính cũng giống nó, tức là hay theo dõi, xách mé, và bắt bẻ tôi. Như cái Lan Anh thì chê tôi quá gầy, cái Trà My thì kêu phòng tôi bừa bộn quá, nhưng trong đám bạn của nó hay tới nhà tôi chơi thì tuyệt nhiên không có Hạ Quyên. Hẳn là hai đứa mới quen nhau. “À”, tôi chợt nhớ ra Phương gọi Hạ Quyên là chị, như thế tức là hơn tuổi con bé rồi. Cứ chốc chốc, tôi lại liếc nhìn đồng hồ một lần, mong tới 3 giờ chiều cho nhanh để còn đi đón em gái. Cái Phương tan học, tôi đến sớm trước 10 phút, nhìn xung quanh xem có thấy Hạ Quyên không. Phương đến hù tôi từ phía sau một tiếng rồi trêu đùa: - Anh đang ngắm ai đó? Nói rồi con bé ngồi luôn lên xe làm tôi loạng choạng suýt ngã. Tất cả cũng chỉ vì dù chỉ kém tôi ba tuổi nhưng cái Phương rất nặng xương nên lần nào đạp xe đèo nó là tôi cũng mệt muốn xỉu. Nhưng hôm nay tôi phải chiều lòng con bé thôi mới mong có được danh tính người đẹp. Nó ngồi phía sau hí hửng kể với tôi đủ thứ chuyện, nào là cô giáo nó biết tự sáng tác nhạc, nào là hôm nay có hai anh em sinh đôi tới xin học. Bình thường tôi rất thờ ơ với những chuyện của nó, nhưng hôm nay tôi hưởng ứng rất nhiệt tình. Con bé không nghi ngờ gì. Về gần tới nhà, tôi hỏi nó, vờ như buột miệng: - Phương ơi, cái bạn Quyên đó học lớp mấy thế? Có biết học trường nào không?. Cái Phương suy nghĩ một lúc rồi nó bảo tôi: - Năm nay lên cấp 3, chắc là bằng tuổi anh đó. Mà sao anh hỏi nhiều vậy, thích chị đó hả? Bị con bé em bắt trúng tim đen, tôi đáp lửng lơ: - Ừ thì nhìn cũng dễ thương đó. Nhưng mà không biết có kiêu không? Cái Phương nghe tôi nói rồi phán một câu tỉnh bơ: - Không kiêu. Nhưng người như anh thì không cua được đâu. Cái con bé này, đâu cần phải nói thẳng toẹt ra như thế. Như em gái nhà khác thì chắc sẽ động viên anh trai, hoặc nếu không thì cũng tìm lời an ủi cho anh đỡ tuyệt vọng, còn em tôi thì không. Đã thế nó ám chỉ “người như anh” làm tôi cứ thắc mắc mãi người như tôi là người như nào. Từ lúc tìm được blog Hạ Quyên, tôi cứ khấp khởi mãi chờ ngày cô bé đồng ý làm bạn với tôi. Rồi ngày đó cũng đến, tôi nhảy khắp phòng vì sung sướng. Từ nay có thể chia sẻ với người tôi thương thầm rồi. Tôi định viết gì đó lên blog của Hạ Quyên, nhưng viết gì bây giờ. Suy nghĩ suốt cả ngày trời vẫn không nghĩ ra, buổi tối, tôi nhanh nhảu rửa bát hộ cho cái Phương, rồi còn quét nhà hộ nó, chỉ mong con bé hiến kế hay tiết lộ ít thông tin cho. Cái Phương vốn nhanh nhẹn nên hiểu ý tôi luôn, lúc hai anh em đang đứng trên sân thượng phơi đồ, nó lại gần tôi khoác vai có vẻ rất thân thiết rồi bảo: - Chị Hạ Quyên tháng 9 tới vào học cùng trường anh đó. Chỉ vừa nghe thấy tin này, tôi hét toáng lên. Ôi trời ơi, một cái tin quý giá như thế mà con bé này lại giữ trong lòng bây giờ mới nói cho tôi biết. Tôi cuống quýt, hỏi vội: - Thật không? Thật không? Sao em biết? - Thì em hỏi chị ấy mà. Ôi thật là một đứa em ranh mãnh, hóa ra Phương đã hỏi được Hạ Quyên cả tỉ thứ nhưng cứ im ỉm không nói. Tôi hỏi liên tục xem em gái tôi còn biết chuyện gì về Hạ Quyên không. Quả nhiên là rất nhiều. Nào là chuyện Hạ Quyên là con nhà gia giáo đúng nghĩa vì cả bố lẫn mẹ cô bé đều là giáo viên. Hạ Quyên đã học piano từ lúc 7 tuổi nên trong lớp có thể coi là cao thủ rồi, thường được giao đánh bài mẫu cho cả lớp. Có một chuyện tôi đặc biệt chú ý. Đó là chuyện trong lớp piano có một thằng nhóc cũng thích Hạ Quyên. Nghe cái Phương kể thì thằng nhóc này ngày nào đi học piano cũng ngồi cạnh Hạ Quyên và đề nghị đèo về nhà nhưng chưa lần nào có được sự đồng ý của người đẹp. Những ngày sau đó tôi sống như người trên mây, ngày nào cũng mở lịch xem sắp tới ngày tựu trường chưa. Tôi vẫn xung phong đèo cái Phương đi học làm mẹ tôi không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên chẳng ai biết tôi đã phải tiết kiệm tiền tiêu vặt của mình để đổi lấy thông tin về Hạ Quyên từ đứa em gái. Một hôm, thằng Lâm tới thăm tôi ở cửa hàng, vừa nhìn thấy tôi nó đã cười như nắc nẻ: - Cái đầu, cái đầu của mày bị sao thế kia? Tôi gãi đầu ngán ngẩm, tất cả chỉ vì cái Phương muốn mua một cái bút phát sáng nên tôi phải tiết kiệm tiền mẹ cho cắt tóc để mua cho con bé. Tôi không vào hàng có anh thợ cạo răng khểnh như mọi lần nữa mà ra chỗ vỉa hè dưới gốc cây nhờ một ông già cắt cho. Không biết có phải vì già rồi tay run mắt mờ không mà ông già cắt cho đầu tôi nham nhở vô cùng, trông bộ dạng tóc tôi thật thảm hại. Tôi đã định sẽ không ra khỏi nhà cho tới khi tóc mọc dài lại nhưng công việc ở cửa hàng của bác tôi thì không thể bỏ được. Thằng Lâm đã đi được, tôi thấy nó cởi bó bột ở chân rồi. Nó bảo tôi, vẫn cười không ngớt: - Tao tính tới rủ mày đi đá bóng mà đi với đứa trông như mày tao ngại quá. Nhỡ có ai nhìn thấy thì mang tiếng chết. Tôi lắc đầu: - Hôm nay tao không đi được đâu, hay chiều thứ 6 nhé. - Thứ 6 không được. Tới lượt Lâm lắc đầu. Tôi ngạc nhiên, bình thường bảo đi đá bóng có bao giờ cái thằng này từ chối đâu. Lúc nào nó chả ưu tiên việc trở thành tiền đạo số một lên hàng đầu. - Sao mày không đi được? Lâm đưa mắt nhìn xung quanh cửa hàng một cái rồi chạy tới nói khẽ với tôi: - Tao nói cho mày nghe nhé, ở cửa hàng của ông tao ấy, mới có một cô bé xinh cực. Thứ 6 tuần nào cũng đến thuê truyện. Tao phải ở đấy để còn gặp bạn ý. Tôi ngán ngẩm. Cửa hàng thuê truyện tôi đi qua mấy lần, những đứa con gái đến đấy đa số đều là hạng mọt sách, à không, "mọt truyện" mới đúng. Kính thì đeo dày đến cả tấc, cả ngày chẳng nói được một câu. Thằng Lâm thấy tôi chẳng có vẻ gì đến chuyện tình yêu của nó liền bảo: - Mày không tin thì thứ 6 này tới nhà tao đi, tầm 2 giờ chiều ấy. ****** Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi... Kì 2 : Thầm Thương Trộm Nhớ Chiều thứ 6, tôi đạp xe sang nhà Lâm, trời thì nắng mà nó dặn tôi đi từ rõ sớm, buồn ngủ nên tôi ngáp dài suốt đoạn đường. Đến nơi Lâm kéo tôi vào đứng sau cái quầy tính tiền rồi bảo: - Mày đứng đây, đợi tí. Rồi nó chỉ cho tôi một cô bé vừa mới dựng xe trước thềm nhà và đi thẳng vào quầy truyện tranh quen thuộc. Thằng Lâm nói lảm nhảm bên tai tôi rất nhiều thứ, nhưng tai tôi ù đi, chẳng để tâm xem nó nói gì nữa. Lúc sau, tôi ngẫm lại thấy mọi người nhận xét đúng thật. Tôi với Lâm từ bé tới lớn có rất nhiều sở thích giống nhau. Bây giờ đến nỗi mà hai đứa cũng thích chung luôn một cô gái. Về tới nhà, tôi thấy người mệt mỏi như bị say nắng, tôi leo lên giường nằm suy nghĩ. Nhưng yên lặng chưa được 5 phút thì có tiếng chạy rầm rập dưới cầu thang, rồi có người xô cửa chạy vào phòng tôi. Đó là cái Phương, nó kéo tay tôi, nói gấp gáp: - Anh Khoa, anh Khoa, anh xuống nhà đi, cái Hạnh mang quà từ quê lên kìa. Hạnh là đứa bạn học cùng từ hồi mẫu giáo với em gái tôi. Cả nhà tôi chẳng lạ gì Hạnh vì nhà gần nhau nên nó rất hay chạy sang nhà tôi cho cái Phương chè với kem. Mẹ cái Hạnh là người gốc Huế nên nấu chè rất ngon. Chè xoài, chè khoai môn, chè đậu đỏ, cái nào tôi cũng thích cả. Tôi không phải người háo ngọt lắm nhưng cũng phải hâm mộ tài nghệ của cô ấy. Nhưng chẳng hiểu sao một người đảm đang như thế mà lại có một đứa con gái hậu đậu, đụng đâu vỡ đấy. Đúng là quy luật bù trừ. Hè nào Hạnh cũng theo mẹ về quê ngoại một tháng, lúc ra mang đến nhà tôi bao nhiêu là quà. Tôi giằng tay cái Phương lại: - Đợi anh thay cái quần dài đã, đang mặc quần đùi mà. Cái Phương liếc nhìn xuống chân tôi một cái rồi cười khẩy: - Ui dào Hạnh chứ có phải khách đâu, anh sợ gì. Rồi tôi bị Phương kéo xuống dưới nhà. Đúng như tôi dự đoán, trên bàn chất đầy mấy quả mãng cầu, hồng xiêm, thanh long, toàn là quả của miền trong. Tôi còn đang đếm xem có bao nhiêu quả mãng cầu tất cả thì con bé Hạnh từ đâu nhảy xổ ra trước mặt tôi khua khua con dao trước mặt, miệng nhanh nhảu nói: - Anh Khoa ơi, em bổ mít cho anh ăn nhé. Tôi nhìn về phía tay Hạnh chỉ, một quả mít to đùng, gai nhọn nằm lù lù nơi góc nhà. Rồi tôi nhìn sang Hạnh, nó thấp hơn tôi hai cái đầu, người cũng tròn trịa mũm mĩm y chang quả mít kia, đôi mắt một mí lúc nào cũng nheo nheo. Hạnh bảo tôi nó có đôi mắt cười còn tôi chỉ thấy mắt nó lúc nào cũng nhắm híp tịt lại. Tôi nhìn quả mít rồi lại quay sang nhìn Hạnh, tự dưng bật cười khanh khách. Cái Hạnh khoe: - Năm sau đi học tớ sẽ đi bằng xe đạp, hè vừa rồi tớ mới tập đi xe đạp đó. Mẹ tôi và Phương cùng cười theo cái Hạnh, còn tôi chỉ thấy thương cho cái xe đạp của nó. Con bé tròn trịa thế kia mà leo lên xe thì chắc ngày nào cũng phải bơm bánh trước mất. Mẹ tôi đột nhiên quay sang nói làm cắt ngang hình ảnh tôi đang tưởng tượng trong đầu: - Nếu mà cháu muốn tập đi xe đạp vững thì qua bảo anh Khoa kèm cho nè. Anh Khoa ngày xưa tập đi xe đạp nhanh lắm. Cái Hạnh gật đầu lia lịa, miệng cười toe toét, còn tôi chả hứng thú gì. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến Hạ Quyên, tôi mà được kèm cô bé đi xe đạp thì có phải là hạnh phúc nhất đời rồi không. Tôi hôm đó, tôi vạch ra một kế hoạch chu đáo. Thằng Lâm có lợi thế hơn tôi là nhà nó có hàng thuê truyện tranh nên tuần nào nó cũng sẽ gặp Hạ Quyên. Nhưng tôi lại có cái Phương là gián điệp tay trong rồi. Hạ Quyên sẽ học cùng trường với chúng tôi, vậy là tôi phải tìm cách để quen được cô bé, và nhất là giữ Lâm ở càng xa càng tốt. Nghĩ tới đây, tự dưng tôi thấy mình xấu xa quá. Tôi với Lâm là hai thằng bạn chí cốt, mỗi lần bị điểm kém sợ không dám mang về cho mẹ thì nhà Lâm là địa điểm cất giữ của tôi. Có lần sang nhà Lâm chơi tôi lúi húi nghịch thế nào mà làm hỏng mất cái radio nhà nó, Lâm nhận tội với mẹ thay tôi, lúc tôi hỏi sao nó làm thế thì Lâm chỉ nói: - Vì tao sợ mẹ tao không cho mày sang chơi nữa. Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi quá. Buổi tối, mẹ bảo tôi là Lâm gọi điện nhắn tôi sang học nhóm, tôi biết tỏng cái trò này của nó, cứ mỗi lần có đĩa trò chơi gì mới là nó lại rủ rê tôi sang học nhóm. Lâm có người bác ở nước ngoài, cứ mỗi lần về nước lại mang cho nó mấy đĩa trò chơi rất hay. Trong nhà tôi thì giữa hai anh em, cái Phương mê chơi game hơn và cũng chơi giỏi hơn tôi. Nghe mẹ tôi nói vụ học nhóm, nó theo lệ cũ lập tức đi xếp mấy quyển vở vào cái balo rồi xin phép mẹ: - Mẹ ơi cho con sang học cùng hai anh nhé, con có bài Mĩ Thuật cần hỏi anh Lâm. Đấy, cái thằng Lâm vừa được cái mã ngoài bảnh bao lại vừa khéo ăn nói, nó học giỏi môn gì không giỏi lại giỏi Mĩ Thuật nên bọn con gái quý nó lắm. Tôi thì thấy mấy cái bức vẽ của nó chả có gì hay mà đám con gái lớp tôi cứ mỗi lần trả bài vẽ lại xúm xít xung quanh nó. Sang đến nhà Lâm, cái Phương nhìn thấy hai đĩa game mới cứng còn nguyên lớp vỏ nilon bên ngoài đặt trên bàn thì ùa tới. Cả buổi tối Lâm và Phương cứ mải mê chơi cái đĩa game mới, tôi thì ngồi xem ti vi trong phòng nó. Nhìn mấy cô ca sĩ hát đi hát lại mấy bài, tôi chợt nghĩ nhìn Hạ Quyên còn xinh hơn ca sĩ nhiều lần, mà Hạ Quyên có biết hát không nhỉ? Không biết cô bé thích bài hát nào nhỉ? Tôi tự dưng thấy cái bệnh tương tư của mình bắt đầu nặng hơn. Lúc ngồi ở nhà Lâm tôi chỉ nơm nớp lo sợ cái Phương sẽ buột miệng nhắc đến Hạ Quyên. Buổi sáng trời thu Hà Nội có những cơn gió nhè nhẹ, nắng vẫn còn nhưng bầu trời đã trong xanh hơn. Hôm nay là ngày học sinh khối 10 tập trung. Từ sáng sớm mẹ đã phải rất khó khăn, bao gồm cả những lời nói nhẹ nhàng và la hét mới lôi được tôi ra khỏi chiếc giường yêu quý. Cũng tại mùa hè nghỉ ngơi nhiều quá nên tôi mới khó dậy thế này. Tới trường mới, tôi nháo nhác nhìn xung quanh xem có ai mình quen không. Hình như hôm nay chỉ toàn học sinh lớp 10, những gương mặt non choẹt, ngây ngô trước quang cảnh của ngôi trường cấp 3, đâu đó có tiếng làm quen, hỏi tên nhau giữa những người bạn mới. Tôi còn đang bỡ ngỡ nhìn xem có thấy biển lớp 10A5 không thì có đứa từ đâu nhảy đến khoác vai tôi, cười vang trời, thì ra đó là Lâm: - Này này, sao nhìn mày ngơ ngơ vậy? Mày vừa dắt xe qua cổng trường là tao nhận ra liền. Lớp mình ở đây cơ mà. Tôi biết là Lâm bảo mẹ nó xin cho vào học cùng lớp với tôi, từ cấp một tới giờ lúc nào chúng tôi cũng học cùng lớp. Lẽ ra lên cấp ba thì mỗi đứa một trường, gia đình Lâm tính cho nó thi vào trường điểm thành phố nhưng đùng một cái, nó bị gãy chân nên phải nằm nhà, bao nhiêu kế hoạch đi ôn thi với vào trường điểm đổ xuống sông xuống biển cả. Bố mẹ nó thì tiếc mà tôi thấy nó vẫn nhởn nhơ lắm. Nó xin ngay mẹ nó cho vào học đúng tuyến với tôi, lại còn cùng lớp. Tôi với nó, đúng là chẳng bao giờ tách nhau ra được. Lớp tôi có 54 học sinh, mọi người gần như đã đến đủ, tôi nhìn xung quanh rồi giật mình vội quay đầu lại. Hạ Quyên đang chỉ đứng cách lớp tôi có hai hàng học sinh nữa. Đúng rồi, cô bé cùng trường với tôi mà, tôi chạy ra khỏi hàng nhìn xem biển lớp đó là gì: “10A7”. Lâm thấy tôi tách hàng nhưng cũng chả hỏi gì, chắc nó còn đang mải làm quen với mấy bạn nữ cùng lớp. Lúc sau nó ghé tai tôi thì thầm: - Các bạn lớp mình đang định tiến cử tao làm lớp trưởng mày à, thích thế. Nhưng làm lớp trưởng lại phải học tập chăm chỉ với làm bài tập đầy đủ nên tao tính tiến cử mày. Tôi chẳng để ý lời Lâm nói, trong lòng vẫn còn đang vui sướng âm ỉ vì Hạ Quyên đang ở rất gần tôi. Lúc vào trong lớp, cô giáo đọc tên cho chúng tôi vào ngồi theo thứ tự, tôi ngồi sau Lâm ba bàn, lại đúng chỗ cửa ra vào. Ngồi cạnh tôi là một đứa con trai đeo kính dày cộp, trông có vẻ mọt sách. Bằng chứng rõ nhất là nó còn đang cầm quyển sách trên tay. Tôi hỏi nó: - Cậu có biết lớp bên cạnh lớp mình là lớp nào không? Nó ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi tôi: Trường mình có hai tầng cho lớp 10, tầng này là số lẻ thì lớp bên cạnh là 10A3 và 10A7. Tự dưng tôi thấy quý đứa bạn cùng bàn quá, tôi lại được ở cạnh lớp của Hạ Quyên. Buổi học đầu tiên trôi qua trong bình lặng, chỉ là thầy cô điểm danh rồi dặn dò những học sinh mới. Tan học, tôi và Lâm cùng mấy đứa bạn mới quen lững thững đi bộ ra nhà gửi xe. Ngó thấy có chiếc xe đạp đặt áo mưa vàng ngay ngắn gần xe mình, tôi quay sang bảo Lâm: - Mày ơi, tao nhớ ra phải lên văn phòng nộp mấy cái giấy, mày về trước đi. - Giấy gì thế? Lâm hỏi: - Hồi đầu năm nộp hồ sơ mẹ tao quên không nộp bản photo giấy khai sinh ấy mà. Lâm nghe vậy thì giơ tay chào tôi rồi đạp xe về trước. Nó đi rồi tôi mới ngẫm nghĩ sao mình lại nói dối nó nhỉ. Mà thôi cũng chỉ là lời nói dối vô hại, coi như là tôi đùa nó vậy. Chỉ một lát sau thì lớp 10A7 cũng tan. Từ xa tôi đã thấy Hạ Quyên đi chầm chậm. Lúc cô bé đi qua tôi, có một mùi hương thơm nhè nhẹ như là mùi cỏ may tỏa ra. Hạ Quyên lấy xe xong là đạp đi thẳng luôn, tôi vội đạp xe đi theo phía sau. Ra hẳn tới ngoài đường lớn tôi mới thấy là nhà tôi và nhà Hạ Quyên đi về hai phía khác nhau. Thôi kệ, về muộn một tí cũng chẳng sao. Tôi đạp xe theo sát Hạ Quyên. Qua mấy lần đèn đỏ rồi lại xanh, hình như cô bé nhận ra có người đi theo nên quay lại liếc nhìn tôi mới cái. Cái nhìn đó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi mà tôi thấy tim mình như đập chậm lại, tôi hơi xấu hổ nên tới chỗ ra tiếp theo thì quay lại đường cũ. Vừa về tới nhà tôi đã nghe thấy tiếng nói râm ran trong phòng bếp. Mẹ, cái Phương và cả cái Hạnh đang ngồi ăn cơm. Mẹ hỏi tôi: - Sao về muộn thế con? Tôi lại nói dối tiếp: - Dạ hôm nay đường tắc mẹ ạ. Phải nói thế thôi chứ nếu để mẹ biết là tôi đi theo con gái nên mới về nhà muộn thể nào mẹ cũng mắng tôi một trận té tát. Rồi cái điệp khúc ai đời mới bảnh mắt ra mà đã yêu với đương sẽ được ca đi ca lại mỗi ngày. Vừa ngồi xuống mâm cơm, cái Hạnh đã lanh chanh kéo ghế ra cạnh tôi, nó nói: - Anh Khoa anh Khoa, em xới cơm cho em nhé. Trên đời này tôi sợ nhất là cái Hạnh xới cơm. Lúc nào nó cũng lấy một bát đầy cơm lẫn thức ăn cho tôi. Tôi vội nói: - Thôi thôi, để anh tự lấy cũng được. Hạnh đặt bát cơm xuống bàn, hai tay chống cằm. Nhìn nó tiu ngỉu như con mèo cụt đuôi, tôi lại phải nhượng bộ: - Em cứ lấy cho anh đi vậy. Hạnh reo lên: - A, thích quá. Em yêu anh Khoa nhất. Mẹ tôi và cái Phương đã quen với cảnh này. Cả nhà thì chỉ có mình tôi là đủ can đảm đưa bát cho cái Hạnh xới cơm. Thật ra tôi cũng khá chiều nó, có khi còn hơn cả em gái ruột vì cái Phương thì hay chí chóe với hay mách mẹ tội của tôi còn Hạnh thì lúc nào cũng tỏ ra thán phục những việc tôi làm. Ăn cơm xong, Hạnh đi bộ về nhà con cái Phương chạy lại tôi hỏi thăm: - Sao, hôm nay anh có gặp chị Hạ Quyên không? Hóa ra nó vẫn còn nhớ tới người anh này cơ đấy, tôi gật gật đầu: - Gặp rồi, nhưng học khác lớp anh. - Anh nghĩ ra cách gì làm quen chưa? Tôi lắc đầu, vẻ mặt rầu rĩ: - Vẫn chưa. Cái Phương nhìn tôi tỏ vẻ ngao ngán rồi đi ra phòng ngoài. Suốt mấy ngày đi học tiếp theo, tôi chỉ dám nhìn Hạ Quyên từ xa chứ không lại gần đứng bao giờ. Tôi vẫn mong chờ một cơ hội để được làm quen với cô bé. Rồi thì trời cũng không phụ người có lòng, cơ hội của tôi cũng đến. Tôi hụt mất chức lớp trưởng nhưng lại được phân công làm sao đỏ chấm thi đua ở lớp Hạ Quyên. Tôi hí hửng trong lòng, hóa ra thành tích học tập không tệ hồi lớp 9 cũng giúp tôi có được sự tín nhiệm của những đứa bạn mới. Được đeo băng sao đỏ, tôi thấy oai hẳn ra dù nhận thức rõ công việc sao đỏ thường bị coi là xoi mói, xách mách. Làm sao đỏ được một tuần, tôi thấy cơ hội để được ở gần Hạ Quyên vẫn xa vời như trăng sao trên trời. Thứ nhất Hạ Quyên rất gương mẫu, luôn đi học đúng giờ và chẳng bao giờ nói chuyện trong hàng. Thứ hai, đã không được nói chuyện với cô bé thì chớ, tôi còn chẳng được đứng ngắm Hạ Quyên nữa vì mấy đứa cùng lớp cô bé lại nói chuyện rõ nhiều làm tôi phải nhắc nhở liên tục. Thằng Lâm xem ra còn tiến với tốc độ nhanh hơn tôi. Nó khoe với tôi là đã tìm ra được lớp học thêm tiếng Anh của Hạ Quyên và sẽ xin bố mẹ nó cho đi học lớp đó. - Tao sẽ đi học lớp đấy. Hạ Quyên học giỏi nhất nhì lớp, kiểu gì mà tao chả có cớ để hỏi bài chứ. Tôi thấy Lâm có vẻ nhiều kinh nghiệm, chiến lược của nó nghe rất rành mạch bài bản. Tôi cũng không hiểu sao bố mẹ nó lúc nào cũng bảo là nó kém tư duy logic nhỉ? Một tháng trôi qua, việc học tập trở nên vất vả hơn, cuốn tôi vào cái vòng quay bài tập, rồi kiểm tra không ngừng, tôi tạm dẹp chuyện tìm cách chinh phục Hạ Quyên sang một bên, nhưng vẫn ngấm ngầm ngắm cô bé mỗi buổi xếp hàng đầu giờ. Lúc tôi đã định can tâm an phận thủ thường làm một sao đỏ, chỉ lặng lẽ ngắm cô bé từ xa thì lại có một chuyện bất ngờ xảy ra. Tất cả cũng chỉ vì cái kế hoạch của Lâm. Nó đi học với Hạ Quyên nhưng ở lớp đó lại quá nhiều người hay hỏi bài Hạ Quyên nên nó chỉ mới dừng ở bước làm quen chứ chưa gọi là thân thiết gì được. Tuy nhiên Lâm chẳng phải đứa mới gặp tí khó khăn đã bỏ cuộc ngay. Nó tìm hiểu được là Hạ Quyên rất thích đọc sách thơ văn, nghe bạn bè kể là cô bé có một chồng toàn tiểu thuyết lãng mạn ở trong phòng. Lâm quyết định sẽ viết thư cho Hạ Quyên, nó say sưa bắt tôi đọc đi đọc lại để lọc lỗi chính tả. Thật không chấp nhận được là nó lại giao cho tôi cái công việc nhàm chán thế. Xong nó còn bắt tôi phải mang sang đưa cho Hạ Quyên. - Sao mày viết mà mày không tự đưa? - tôi vặn vẹo: - Thôi, tao ngại lắm. Mày chấm sao đỏ lớp đó mà, mày đưa giùm tao đi. Với cả… - Với cả sao? - Bọn con gái hay thích tưởng tượng còn gì. Tao muốn Hạ Quyên tưởng tượng về tao một chút. Cái thằng này, làm người quang minh chính đại không thích lại thích làm anh hùng trong bóng tối. Tôi thấy nó giống anh hùng núp hơn, lại nhớ tới cái câu người ta hay nói “Anh hùng núp cho một mồi lửa đốt rơm anh hùng”. Tôi chẳng từ chối được bởi nó đã nhét lá thư vào túi áo tôi.Khi kể lại chuyện này cho em gái tôi nghe, nó phán luôn một hơi rằng tôi là đồ ngốc, còn cái Hạnh ‘hột mít’ nghe Phương kể lại thì lại khen tôi là người tốt. Tối đó, tôi nằm trằn trọc mãi không ngủ được, tôi liền tỉnh dậy, mở lá thư ra ngồi đọc lại. Chữ thằng Lâm xấu quá, viết xiêu vẹo nhìn như gà bới vậy. Trời tối đọc chữ nó viết còn hại mắt nữa. Tôi đọc một lúc, thấy nó viết không ổn chút nào. Cái thằng này viết thư làm quen với người ta mà đúng theo kiểu “bấu chỗ này một tí, véo chỗ kia một chút”. Bình thường nó hay mượn bài tập của tôi với một đứa nữa để chép so le, bây giờ đến cái phong cách chép bài mà nó cũng đưa luôn vào thành phong cách viết thư. Cả bức thư toàn đạo văn thơ là những lời hay ho từ mục Cà phê chiều thứ bảy trong báo Hoa học trò. Có một đoạn nó chép nguyên xi mà còn chưa thay tên Hạ Quyên vào nữa. Sao chiều nay tôi lại không phát hiện ra nhỉ? Tôi quyết định viết lại hộ đoạn này cho nó. Nhưng rồi đoạn tôi viết rất chân thật thì lại không hợp với đoạn trên của Lâm, thế là tôi lại ngồi sửa lại đoạn phía trên của nó. Xong đâu đấy, đến gần sáng, tôi đọc lại cả lá thư, thấy toàn ý của mình, vẫn phải dằn lòng viết tên Lâm ở người gửi. Là con trai với nhau, lại là bạn, phải cạnh tranh đàng hoàng chứ ai lại làm thế. Ngày hôm sau tôi mang sang lớp Hạ Quyên nhưng nào dám đưa trực tiếp cho cô bé. Tôi nhờ một đứa tôi quen mang vào đưa hộ. Hạ Quyên quay lại nhìn tôi, miệng cười chúm chím. Tôi lại thấy lòng mình xao xuyến. Một nụ cười của Hạ Quyên dường như có thể làm tôi thấy vui vẻ suốt cả ngày. (Còn tiếp...) [img]http://svnpro.wap.sh/anh-co-gi-moi/f0f5f3476c6371ba5e3c98e75d9d1dfd.jpg[/img] [/info]